Tin Phòng ban - Khoa - Bộ môn

KHOA XÃ HỘI HỌC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ KHU DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ VÀ GIAO LƯU VỚI NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ NHÂN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ


Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 08/10/2024, khoa Xã hội học đã tổ chức cho sinh viên là cán bộ chủ chốt các khóa lớp từ XH24- XH27 đi thực tế trải nghiệm tại khu di tích và giao lưu nhân chứng di tích Nhà tù Hỏa Lò; mục đích chuyến đi nhằm bồi dưỡng thêm cho các em về lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, biết ơn các thế hệ đi trước đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 

Đoàn thực tế khoa Xã hội học

 

Ngày 10/10/1954 - một dấu ấn lịch sử đậm nét khi quân và dân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản Thủ đô, thành quả lớn lao sau chín năm trường kỳ gian khổ kháng chiến chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Thời khắc ấy không chỉ là niềm tự hào của người dân ở Hà Nội mà còn là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường của toàn dân tộc. 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội hôm nay đã không ngừng phát triển, vươn mình mạnh mẽ trên con đường hiện đại hóa, nhưng những giá trị lịch sử, tinh thần ngày Giải phóng vẫn luôn tỏa sáng, luôn là nguồn động lực quý báu cho các thế hệ mai sau gìn giữ và phát huy.

 

Hình ảnh Nhà tù Hỏa Lò

Nhà tù Hỏa Lò là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của những người con Việt Nam yêu nước. Không chỉ là chứng tích cho một thời kỳ lịch sử gian lao, công trình này còn là nét chấm phá đầy thăng trầm, hoài niệm giữa Thủ đô hoa lệ và náo nhiệt. 

Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô khoa Xã hội học đã tổ chức cho sinh viên là cán bộ chủ chốt các khóa lớp từ XH24-XH27 đi thực tế tại khu di tích Nhà tù Hỏa Lò. Buổi thực tế diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động. TS. Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Trưởng Khoa, Phụ trách Khoa; PGS.TS Hoàng Thị Nga- Phó Trưởng Khoa; và các sinh viên là cán bộ chủ chốt các khóa lớp từ XH24-XH27 đã có những trải nghiệm hết sức khó quên tại đây.

Trong buổi thực tế, đoàn đã có cơ hội tìm hiểu về di tích Nhà tù Hỏa Lò - nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến đời sống ngục tù của các tù nhân chính trị trong thời kỳ Pháp thuộc. Nhà tù Hỏa Lò hay Ngục Hỏa Lò xưa có tên tiếng Pháp là Maison Centrale, tức “Đề lao Trung ương”, tên tiếng Việt là Ngục thất Hà Nội. Đây là một nhà tù cũ nằm ở phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1896- từng là nơi giam giữ các tù nhân chính trị cũng như nhà ái quốc chống chính quyền thực dân. Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng với kiến trúc hệt như một địa ngục thật sự, xung quanh nơi này đều là các hình thức tra tấn, ép cung vô cùng tàn nhẫn và dã man. Biết bao thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã phải trải qua thời khắc kinh hoàng tại Nhà tù Hỏa Lò. Trong đó, chiếc máy chém đưa Nhà tù Hỏa Lò trở thành 1 trong Top 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới vẫn còn được trưng bày tại đây. Hình ảnh chốn lao tù ngày ấy với những trận đòn roi, xét xử, tra tấn dã man, tàn bạo dù trải qua bao năm được khắc họa rõ nét, chân thật ở mọi ngóc ngách tại nhà tù Hỏa Lò. Qua chương trình, đoàn thực tế đã cảm nhận được sự gian lao, cực khổ, đau đớn của cha ông ta những ngày chiến đấu vì độc lập của đất nước.

Đoàn thực tế khoa Xã hội học lắng nghe thuyết minh viên trình bày về quá trình đấu tranh giành tự do của các chiến sĩ

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích

Sống trong ngục tù đế quốc với chế độ giam cầm hà khắc, đọa đày nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết, kiên trung và giữ vững tinh thần cách mạng. Họ biến nhà tù Hỏa Lò thành trường học, nơi phổ biến lý luận cách mạng và nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân dân và tổ chức, tiếp tục góp sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đặc biệt nhất trong hoạt động trải nghiệm lần này là khi thầy cô và sinh viên khoa Xã hội học được giao lưu với nhân chứng lịch sử, bác Nguyễn Trọng Dương (bí danh Hà Long)- là một trong những tử tù đã thực hiện vượt ngục thành công. Bác chia sẻ: “Để có thể làm ra được những chiếc hầm chui như thế, điều quan trọng nhất chính là tính toán công thức sao cho hợp lý. Hầm sẽ cần là hình thang, đáy dài là 40cm, chiều cao 25cm và đáy ngắn 30cm. Đây cũng là công thức để tính, để mình có dự báo là con đường dài đến đâu và số đất là bao nhiêu. Nhưng còn thực tế thì có thể là vì mình đào nên sẽ rộng ra”. Nhóm của bác là nhóm đầu tiên tiến hành đào hầm, sau đó còn khoảng 13 nhóm thực hiện theo nhưng cuối cùng chỉ có 3 nhóm thành công. Quá trình đào hầm kéo dài trong 5 tháng (từ 02/09/1968 đến 19/01/1969), trong quãng thời gian đó bác và đồng đội của mình luôn cảm thấy căng thẳng, phần lớn là vì lo sợ cai ngục sẽ phát hiện ra. Bác cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhắc đến những người đồng đội cũ đã hi sinh để bảo vệ bí mật của Tổ quốc.

Bác Hà Long kể về những ngày tháng sống trong ngục tù 

Cuối buổi giao lưu, khi được hỏi về tâm trạng lúc mà thấy được ánh sáng của tự do, bác Hà Long chia sẻ: “Tự do thì đã có được nhưng phải xác định từ trước khi vượt ngục là đi tìm tự do và sau này, có những lúc anh em chúng tôi nói là người ta đi đường tự do khác nhưng chúng tôi đi đường tự do từ lòng đất đi lên !”.

Bác Hà Long xúc động khi nhắc lại những ngày tháng cùng với đồng đội chiến đấu

Bác Hà Long chụp ảnh kỷ niệm cùng thầy cô khoa Xã hội học

Qua chuyến tham quan lần này, khoa Xã hội học mong muốn các em sinh viên sẽ ngày càng cố gắng để dựng xây Tổ quốc, luôn luôn vững tin vào Đảng và Nhà nước và cảm thấy biết ơn, trân trọng sự hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh đi trước để đổi lấy được đất nước hòa bình như ngày hôm nay./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích

 

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích  

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích

Một số hình ảnh hiện vật tại khu di tích

Đoàn thực tế lắng nghe chia sẻ của nhân chứng lịch sử

Đoàn thực tế lắng nghe chia sẻ của nhân chứng lịch sử

Đoàn thực tế nghe thuyết minh viên nói về các hình thức tra tấn, ép cung tại nhà tù

Đoàn thực tế nghe thuyết minh viên nói về quá trình vượt ngục của các chiến sĩ

 

Đoàn thực tế khoa Xã hội học chụp ảnh với nhân chứng lịch sử

Th.S Vũ Yến Hà- Giảng viên khoa Xã hội học


 

Tin liên quan
Top